Với chi phí khoảng 15 triệu đồng, người dùng có thể lắp cho mình một bộ dàn Karaoke chất lượng gồm loa, ampli đi kèm đầu đĩa vi tính chọn nhạc chuyên nghiệp.
Một dàn Karaoke cần có loa, ampli/mixer, đầu đĩa phát nhạc và mic.
Bên cạnh nhu cầu thưởng thức phim ảnh độ nét cao, sắm một bộ dàn Karaoke tại gia đang là nhu cầu đang được nhiều người quan tâm trong dịp hè này. Anh Công Huy (Hoàng Mai, Hà Nội) sau nhiều ngày tham khảo tại các siêu thị điện máy mà vẫn chưa tìm được bộ dàn Karaoke ưng ý cho căn phòng khách rộng hơn 15 mét vuông của mình. Với số tiền dự kiến khoảng 15 triệu đồng, vị khách hàng đang có ý định tậu cho mình một dàn máy Karaoke trọn bộ sẵn.
Tuy nhiên theo anh Nguyễn Hoàng, chủ một của hàng chuyên tư vấn lắp đặt phòng hát trên phố Minh Khai (Hà Nội), với số tiền 15 triệu đồng như trên, người chơi hoàn toàn có thể tự ghép cho mình một dàn Karaoke bằng thiết bị mua rời thay vì chọn các dàn máy đồng bộ sẵn có. Dàn Karaoke trọn bộ chất lượng âm thanh thường hạn chế, chế độ cài đặt khá rắc rối và tỏ ra phức tạp đối với nhiều người sử dụng. Dàn máy Karaoke là mặt hàng âm thanh "bình dân", dễ kiếm đồ và phối ghép nên tốt nhất là lựa chọn cách tự lắp và mua rời các thiết bị, anh Hoàng chia sẻ. Một bộ dàn Karaoke đầy đủ bao gồm có đầu phát nhạc, amply/mixer, loa, micro, và để có một phòng hát hay thì thiết bị nào cũng quan trọng.
Với đầu đọc và phát nhạc, các thương hiệu Việt được khuyên dùng.
Đầu đĩa phát nhạc là thiết bị đầu tiên mà người chơi Karaoke nên quan tâm tới bởi đây là yếu tố quyết định chính tới việc ca hát. Trên thị trường hiện tại thiết bị này tỏ ra khá đa dạng, bao gồm nhiều sản phẩm có xuất xử cả trong nước lẫn nước ngoài, điều này có thể thấy rõ khi dạo qua các khu vực chuyên bán đồ điện tử như phố Hai Bà Trưng hay chợ Giời (Hà Nội). Tại đây người chơi có thể kiếm từ hàng mới tinh cho tới loại đã qua sử dụng.
Theo anh Trường, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng âm thanh trên phố Hai Bà Trưng, với đầu đĩa Karaoke người dùng nên ưu tiên chọn thương hiệu trong nước và mua hàng mới là tốt nhất. Các model nội địa như Vitek VK350, VK400 và CK500 có giá từ 2,5 cho tới 3,5 triệu đồng được nhiều người chơi lựa chọn và tin tưởng. Bởi bên cạnh việc có chất lượng âm thanh tốt, dễ dùng và hỗ trợ nhiều tính năng, là hàng trong nước nên việc cập nhật thêm bài hát ở các loại đầu Karaoke như trên cũng nhanh và nhiều hơn hàng "ngoại", vị chủ cửa hàng chia sẻ. Đầu Karaoke hiện nay hoàn toàn khác biệt với đầu DVD thông thường là ngoài chức năng xử lý hòa âm, phụ trợ cho việc ca hát chuyên nghiệp nó còn đọc được đa chủng loại âm thanh, phim ảnh, hình họa...
Sau đầu đĩa, loa là phần quan trọng không kém khi đây là yếu tố số một để tạo nên một dàn Karaoke có âm thanh ưng ý và chất lượng. Khác với đầu đĩa, loa thì người dùng có thể chọn mua các loại hàng "bãi" hay hàng đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí, miễn là chất lượng vẫn còn tốt thay vì hàng mới tinh, để sau này muốn nâng cấp thêm sẽ bớt tốn kém, anh Nguyễn Hoàng đưa ra lời khuyên.
Chọn mua loa Karaoke không khó như chơi âm thanh, người dùng có thể mua các model đã qua sử dụng để giảm chi phí.
Không cầu kỳ như đồ âm thanh Hi-end, chọn loa Karaoke đơn giản hơn khi chỉ người dùng cần chú ý thêm vào phần Mid Range (âm trung) ở loa để hỗ trợ giọng hát, bên cạnh phần Bass và Treble để tạo nhạc hay. Thông thường người chơi nên sử dụng hai loa thùng và thêm một loa trầm subwoofer để có âm thanh tốt hơn. Với phòng khoảng 15 mét vuông như yêu cầu thì công suất 100 đến 150 Watt là hợp lý. Anh Hoàng đưa ra tham khảo các bộ loa như Bose 301 series V,hay BMB 350, 450 với giá từ 6 cho 7 triệu đồng cho một dàn Karaoke hay trong tầm 15 triệu đồng.
Sau khi chọn loa như thế nào người dùng cũng nên chọn các ampli kèm mixer tương thích với loa để cho âm thanh tốt nhất. Nên chọn amply có công suất lớn hơn loa để âm thanh phát ra được thể hiện được hết phần âm nhạc, tuy nhiên người dùng cần lưu ý phần cân chỉnh cho thích hợp tránh gây hỏng loa.
Thông thường các model Jaguar hàng cũ tầm giá từ 3 cho tới gần 4 triệu đồng là thích hợp cho nhu cầu đầu tư ở mức vừa phải nhưng vẫn có chất lượng hay. Cuối cùng tùy theo nhu cầu và số tiền còn lại người chơi có thể đầu tư vào cặp micro hát loại có dây hay không dây.
Một số bài viết liên quan Tư vấn Âm thanh karaoke gia đình , mời bạn tham khảo: